Giỏ hàng

Căn cứ mới bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngắn hạn

Nghị định 08/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 5/3/2023 đã sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế. Theo đánh giá của một số chuyên gia, Nghị định sẽ giúp bình ổn những vấn đề cấp thiết trong ngắn hạn, chứ chưa phải là giải pháp để xử lý dứt điểm được vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Để khôi phục niềm tin và sức cầu đầu tư trái phiếu, cần thời gian và các giải pháp bổ sung.

Ảnh minh hoạ.

Có thêm thời gian để tái cấu trúc
 
Ước tính, năm 2023, các doanh nghiệp cần đáo hạn khoảng 273.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp và năm 2024 khoảng 200.000 tỷ đồng. Trong khi đó, thời gian qua, thị trường trái phiếu chững lại, thanh khoản và niềm tin giảm sút, bởi chịu tác động do các sai phạm trong phát hành và sử dụng vốn không đúng mục đích của một số doanh nghiệp bất động sản lớn. Doanh nghiệp gặp vấn đề thanh khoản và không thể phát hành trái phiếu mới để cơ cấu nợ nên sức ép đáo hạn trái phiếu ngày càng tăng. Từ đầu năm đến nay, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội liên tục công bố thông tin bất thường của tổ chức phát hành chậm trả nợ gốc, lãi, phần lớn là doanh nghiệp bất động sản. Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ có một số nội dung đáng chú ý bao gồm: Có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm; tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, nghị định trên phù hợp với tình hình thị trường hiện tại, giúp minh bạch hóa các quy định pháp luật có liên quan, đặc biệt là tạo điều kiện cho nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành có quy định rõ ràng về pháp lý để xử lý những vấn đề liên quan.
 
Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) Đỗ Bảo Ngọc đánh giá, quy định về tổ chức phát hành và trái chủ có thể đàm phán thanh toán gốc và lãi trái phiếu bằng tài sản khác sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý để các bên có cơ hội đàm phán, đi đến thống nhất phương án thanh toán nợ mới phù hợp với tình trạng tài chính khó khăn của nhiều tổ chức phát hành hiện nay. Đồng thời, quy định này sẽ tận dụng được tài sản của nhiều tổ chức phát hành vào quá trình thanh toán nợ cho trái chủ. Đối với nhiều trái chủ, việc nhận tài sản khác có thể là bất động sản cũng là một lựa chọn có thể tham khảo trong điều kiện họ không chấp nhận các điều kiện gia hạn nợ.
 
Về quy định tổ chức phát hành và trái chủ có thể đàm phán để thống nhất gia hạn nợ bằng cách thỏa thuận kéo dài thời hạn của trái phiếu nhưng không quá 2 năm, ông Đỗ Bảo Ngọc nhìn nhận, điểm mới này cũng tạo khuôn khổ pháp lý cho việc các bên tìm giải pháp thống nhất cho việc đàm phán gia hạn nợ giúp các tổ chức phát hành có thêm thời gian cơ cấu tài chính, điều chỉnh kế hoạch và chính sách bán hàng để gia tăng thu nhập, có nguồn tài chính trả nợ.
 
“Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sẽ tác động tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng tích cực là tạo khuôn khổ pháp lý để tổ chức phát hành, trái chủ có thêm thời gian và thêm lựa chọn mới cho việc đàm phán thanh toán gốc, lãi vay. Tổ chức phát hành có thêm thời gian để tái cấu trúc tài chính, có thêm phương án hoán đổi tài sản để trả nợ. Nếu các bên có thể đi đến thống nhất được theo một trong các phương án là gia hạn nợ hoặc hoán đổi tài sản thì sẽ giảm đáng kể nguy cơ vỡ nợ trái phiếu của nhiều tổ chức phát hành hiện tại, khi trong thời gian qua, nhiều đơn vị đã không thể thanh toán được gốc và lãi”, Phó Tổng Giám đốc CSI nói.
 
Còn ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings (Công ty cung cấp các dịch vụ phân tích dữ liệu và xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam) cho rằng, các quy định mới trong Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có giá trị tích cực và là cơ sở cho việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm "hạ cánh mềm" cho trái phiếu hiện nay, nhất là trái phiếu bất động sản. Việc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác đã có một số chủ đầu tư bất động sản thực hiện. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn khi có quy định rõ ràng làm cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh hơn việc xử lý nợ xấu. Vấn đề là tài sản đó có tình trạng pháp lý và giá chuyển đổi ra sao. Đó sẽ là mấu chốt doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ phải đàm phán.
 
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng đưa quan điểm, việc đàm phán có thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề về tính pháp lý của tài sản, lộ trình và khả năng thanh toán. Trong trường hợp trái chủ được thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác thì tài sản đó có tình trạng pháp lý và giá chuyển đổi ra sao? Đây là mấu chốt để hai bên đàm phán.
 
Cần giải pháp bổ sung
 
Nhà đầu tư trái phiếu Nguyễn Hương Giang (quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Giá tài sản chuyển đổi ra sao là điều chúng tôi quan tâm. Thời gian qua, việc định giá tài sản của doanh nghiệp đưa ra quá cao. Vì vậy, cần có quy định cụ thể đơn vị định giá, làm cơ sở xác định giá chuyển đổi để việc đàm phán giữa hai bên thành công”.
 
Ông Đỗ Bảo Ngọc cũng cho rằng Nghị định số 08/2023/NĐ-CP chỉ là những giải pháp tình thế và mang tính hỗ trợ của Chính phủ. Nghị định được ban hành là để bình ổn những vấn đề cấp thiết trong ngắn hạn, chứ không phải là giải pháp để xử lý dứt điểm được vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và những khúc mắc về tình hình tài chính của nhiều tổ chức phát hành lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp bất động sản.
 
Cơ chế để các bên thỏa thuận giãn nợ, hoán đổi tài sản chỉ là giảm áp lực hiện tại, nhưng sẽ đẩy áp lực đó về tương lai trong 1-2 năm tới và trong 1-2 năm đó là lúc để các tổ chức phát hành điều chỉnh lại hoạt động, cơ cấu lại tài chính, quy hoạch lại phương án kinh doanh, thanh lý bớt tài sản để có nguồn lực thanh khoản nợ vay trong tương lai. Hơn ai hết, chính các tổ chức phát hành phải tìm ra giải pháp để cứu chính mình.
 
Thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cần có những giải pháp thực chất để xử lý được các vấn đề lớn về pháp lý, về khơi thông nguồn vốn, về định hướng phát triển của Chính phủ. Điều này cần sự tham gia sâu của các bộ, ban, ngành liên quan để minh bạch thị trường, khơi thông các nguồn lực, phát triển đúng hướng. Từ đó, tạo cơ hội gỡ khó cho các doanh nghiệp khó khăn, để họ có thể xử lý được thanh khoản chung, giải phóng tài sản theo cơ chế thị trường và có nguồn tài chính để thanh khoản nợ vay.
 
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân nhìn nhận, việc khôi phục niềm tin và sức cầu đầu tư trái phiếu có lẽ cần thời gian và các giải pháp bổ sung tiếp theo. Ông kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ không hạ nhóm nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp do ngân hàng cấp tín dụng , đây sẽ là điều tích cực cho vấn đề trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng bất động sản. Đồng thời, Tổng Giám đốc FiinRatings kỳ vọng những căn cứ pháp lý mới thuận lợi cho ngân hàng tái tài trợ, tái cơ cấu/kéo dài 2 năm như trên, huy động mới, phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại... để hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được “hạ cánh mềm” và hạn chế tác động chéo thêm đến ngành ngân hàng, thị trường tài chính - chứng khoán, cũng như đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2023 và 2024.
(Theo: hanoimoi.vn)